Nuôi dê Boer giúp nông dân trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có thu nhập ổn định và bền vững
Những năm gần đây, mô hình nuôi dê Boer đã và đang được Hội Nông dân thị xã Vĩnh Châu hỗ trợ, hướng dẫn hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật và mang lại hiệu quả kinh tế khá. Mô hình này đã giúp các hộ nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mô hình nuôi dê Boer áp dụng khoa học kỹ thuật cho hiệu quả kinh tế ổn định (Ảnh: Văn Sanh)
Năm 2022 chú Võ Hoàng Nam, ấp Phạm Kiểu, xã Vĩnh Hiệp, được Hội hỗ trợ con giống và vật tư. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, sau 1 năm chăn nuôi từ 8 con dê ban đầu đã sinh sản lên 33 con. Đến nay, chú đã bán được 3 đợt với 60 dê con, cho thu nhập trên 90 triệu đồng. Hiện đàn dê của chú còn 21 con đang phát triển tốt.
Chú Võ Hoàng Nam cho biết: Chú tận dụng được thức ăn là các loại cây ở bên ngoài vườn, xung quanh bờ nên không cần đi mua, mình chỉ bỏ công ra thôi. Nói chung nuôi dê không có lỗ, tập tính của nó dễ ăn và dễ nuôi. Quan trọng là khi làm chuồng nuôi dê phải thoáng mát. Chú phát triển mô hình này để phụ thêm kinh tế ở nhà cũng khá ổn định.
Là 1 trong 17 hộ được hỗ trợ nguồn vốn nuôi dê đợt 1 từ Quỹ hỗ trợ Nông dân, chú Nguyễn Thanh Dũng, ấp Phạm Kiểu cũng áp dụng chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi thành công. Sau 2 năm, đàn dê của chú phát triển rất tốt, cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Chú Nguyễn Thanh Dũng chia sẻ: Từ khi mới đầu tiên chú nuôi 4 con mà giờ nó sinh sản 2 năm nay cũng được 30-40 con và khi được từ trên 20-30 kg thì chú bán bớt, để dê giống lại, tiếp tục chăm sóc cho sinh sản. Lúc trước chú bán được giá 100.000đ/kg và bán ra một lần được 15 con, một năm chú bán được 2 đợt và chuẩn bị cuối năm nay bán ra thêm 1 đợt nữa.
Anh Đỗ Văn Ngoan, ấp Phạm Kiểu, xã Vĩnh Hiệp chuyển đổi sang nuôi dê Boer từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, bằng hình thức cho mượn 9 con giống và sẽ thu hồi 50% con giống khi đàn dê cho sinh sản. Sau gần 1 năm chăm sóc, lứa đầu tiên bầy dê sinh sản được 5 con, anh bán được 3 con cho thu nhập gần 10 triệu đồng và Hội Nông dân thị xã thu hồi 2 con để tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo khác thực hiện mô hình.
Anh Đỗ Văn Ngoan cũng cho biết: Tôi thấy nuôi dê này rất dễ, mình tận dụng sua đũa, lá cây, rồi mình trồng thêm cỏ. Noi dê chỉ tốn công chứ không tốn chi phí. Theo kinh nghiệm của tôi thì mình cho ăn lá đậu, bồi dưỡng thêm chất dinh dưỡng, để đàn dê phát triển được tốt, sẽ sinh sản được nhiều. Mô hình này cũng hiệu quả, cho nên tôi ráng trồng thêm các loại cây cỏ làm thức ăn và chăm sóc tốt để nhân đàn lên.
Dê Boer có đặc tính dễ nuôi, đề kháng tốt và lớn nhanh (Ảnh: Văn Sanh)
Hội Nông dân thị xã Vĩnh Châu hiện đang quản lý 10 mô hình nuôi dê Boer tại các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Tân, phường Khánh Hòa và phường 1. Đồng thời, cũng hỗ trợ 44 hộ hội viên vay vốn nuôi dê từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Dê Boer với đặc tính dễ nuôi, đề kháng tốt, lớn nhanh và cho lượng thịt nhiều hơn các loại dê thông thường nhưng ít tốn chi phí nên được nhiều nơi chọn nuôi và thị trường cũng rất ưa chuộng. Có thể nói, đây được xem là mô hình chăn nuôi thích ứng được với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững cho nông dân.
Thực hiện: Quỳnh Liên, BTND: Hoàng Tấn